Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

“Ngôi nhà thông minh chống lũ” của nhóm học sinh 9X

Sinh ra và lớn lên ở thành phố, chưa một lần phải chạy lũ. Ấy vậy mà ba chàng trai thế hệ 9X này lại hiểu được nỗi thống khổ của người dân miền Tây mỗi khi lũ về. Để giúp những người dân vùng lũ bớt lam lũ, các bạn đã cho ra đời “Ngôi nhà thông minh chống lũ”…
Kết quả hình ảnh cho NHÀ THÔNG MINH CHỐNG LŨ
“Ngôi nhà thông minh chống lũ” đã đạt giải nhất toàn quốc (nhóm tự nhiên) cuộc thi Olympia dành cho sinh viên tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 4-2013 vừa qua. “Cha đẻ” của công trình này là Lâm Thanh Hiền, Trần Thi và Nguyễn Lê Vũ, cùng sinh năm 1991, hiện đang học năm thứ 4 Khoa Kỹ thuật công trình, ngành xây dựng dân dụng Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM).
Kết quả hình ảnh cho NHÀ THÔNG MINH CHỐNG LŨ
“Ngôi nhà” của tình bạn
Từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, cả ba chàng trai này đều có một đam mê, đó là trở thành kỹ sư xây dựng. Tốt nghiệp THPT, mặc dù không cùng quê nhưng cả ba đều thi vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Hiền cho biết: “TP.HCM có 4 trường ĐH đào tạo ngành xây dựng (ĐH Bách khoa, ĐH Kiến trúc, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Mở). Sau khi tìm hiểu, tôi thấy Trường ĐH Tôn Đức Thắng là phù hợp với mình nhất. Đầu vào lấy điểm không quá cao, chất lượng đào tạo lại tốt”.
Từ những người xa lạ nhưng cùng một chí hướng nên ba chàng trai 9X này đã nhanh chóng trở thành bạn bè. Thi cho biết, lớp học có trên 100 sinh viên nhưng thấy Hiền và Vũ ham học nên Thi thường bắt chuyện, trao đổi với hai bạn về bài vở… Và không biết từ lúc nào, họ trở thành một nhóm bạn thân thiết.
Khi cả ba bước vào năm thứ 3 thì nhà trường phát động phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, các bạn đã hăng hái tham gia. Là “dân” xây dựng, ước mơ được xây nên những ngôi nhà cho mọi người nên cả nhóm quyết định thực hiện đề tài “Ngôi nhà chống động đất”.
Tuy nhiên, sau khi trao đổi với thầy hướng dẫn - TS. Lưu Nguyễn Hải Nam, cả ba mới “té ngửa” là ngôi nhà chống động đất còn rất xa lạ với Việt Nam. Bởi động đất hiếm khi xuất hiện ở nước ta, trong khi lũ lụt lại triền miên - năm nào cũng có. Thế là cả nhóm chuyển hướng sang làm “Ngôi nhà thông minh chống lũ”.
Khi bắt tay vào thực hiện đề tài, Hiền, Thi và Vũ hiểu rất rõ trước đây đã có một vài công trình nghiên cứu về ngôi nhà chống lũ. Và hiện những ngôi nhà này đã “di chuyển” từ trên giấy ra thực tế. Đó thực sự là một thách thức không nhỏ đối với ba bạn sinh viên năm 3 này…
Hai năm xây nhà… trên giấy
Mô hình “Ngôi nhà thông minh chống lũ”
Sau khi đăng ký đề tài, việc đầu tiên của cả nhóm là tìm tài liệu nghiên cứu về ngôi nhà nổi ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Không chỉ có vậy, Hiền còn đi thực tế ở quê nội (Châu Đốc, An Giang), một trong những địa phương chịu ảnh hưởng tương đối nặng nề của lũ. Mỗi năm, ít nhất là ba tháng (từ tháng 9 đến tháng 11), người dân ở đây phải sống chung với lũ. Mỗi khi lũ “lên cơn thịnh nộ”, không ít người, nhất là trẻ em đã phải bỏ mạng. Còn tài sản thì khỏi phải nói, năm nào lũ cũng “nuốt” cả đống tài sản của người dân ở đây. Bởi vậy, cái nghèo, cái đói cứ đeo bám lấy họ…
Trong quá trình đi thực tế, Hiền phát hiện ra ở đây có 3 dạng nhà chống lũ. Thứ nhất là nhà bè, bên trên thì ở, còn phía dưới nuôi cá. Dạng nhà này rất mắc tiền, không phải người dân vùng lũ nào cũng có đủ kinh phí để làm. Dạng nhà thứ hai là nhà trên ghe, giá thành cũng không phải rẻ. Và dạng thứ ba là nhà sàn, ở dạng nhà này nếu lũ cao quá thì nhà sẽ ngập. Ngoài những nhược điểm riêng, ba dạng nhà này đều có chung một nhược điểm là nước sinh hoạt, việc vệ sinh (tiêu, tiểu) không đảm bảo an toàn.
Khi Hiền đi khảo sát thực tế ở miền Tây thì Thi và Vũ ở lại TP.HCM tìm hiểu về các loại vật liệu xây dựng. “Khi thực hiện đề tài này, nhóm xác định là phải áp dụng nó vào thực tế để giảm thiểu những tác hại do lũ gây ra cho người dân. Chính vì vậy, những vật liệu làm nên ngôi nhà đều là những thứ có sẵn, người dân có thể dễ dàng mua được với giá cả vừa túi tiền ở bất kỳ cửa hàng bán vật liệu xây dựng nào. Vật liệu chính là thép, sàn và vách là tấm smartboar (chịu được nước và nhiệt)”, Thi cho biết.
Sau một năm vùi đầu vào nghiên cứu, ba bạn sinh viên này đã hoàn thành đề tài. “Ngôi nhà thông minh chống lũ” đã đạt giải nhất cấp trường. Sau đó, cả nhóm gửi đề tài tham gia cuộc thi Olympia dành cho sinh viên. Trải qua 3 vòng với hàng trăm đội đến từ các trường ĐH trên cả nước, trong đó có những trường danh tiếng, đề tài của nhóm đã đạt giải nhất.
“Trong quá trình báo cáo đề tài tại các vòng loại, đội chúng tôi đã nhận được ý kiến đóng góp thiết thực từ Ban giám khảo. Bên cạnh đó, đội còn được tài trợ 30 triệu đồng nên chúng tôi đã dần hoàn thiện hơn đề tài, khắc phục được những nhược điểm trước đây”, Hiền cho biết.
Một ngày dựng xong nhà dưới đất
Phải mất gần hai năm, Vũ, Hiền và Thi mới thật sự hoàn thiện “Ngôi nhà thông minh chống lũ” trên giấy. Nhưng khi đưa vào thực tế, người dân chỉ cần 24 giờ là có thể ráp xong ngôi nhà…
“Ngôi nhà thông minh chống lũ” có nhiều đặc tính nổi trội so với các ngôi nhà nổi trước đây. Đó là nổi được trên mặt nước nhờ các thùng phi (nhựa tái chế). Ngôi nhà được chia thành các mođun lắp ghép, mỗi mođun có diện tích 16m2 (ở được tối đa 2 người lớn). Các mođun liên kết với nhau bằng bulong. Điều này giúp rút ngắn được thời gian thi công. Đặc biệt, nhà có thể di dời từ nơi này sang nơi khác mà thời gian tháo ráp chỉ mất khoảng 24 giờ…
Hiền chia sẻ: “Nếu nhà được đặt trên mặt đất thì có các chân vịt cố định, tùy vào diện tích mà số chân vịt là 4 hay 6, hay 8… Khi lũ sắp về, chủ nhà sẽ đưa phao vào. Lúc đó, nhà sẽ nổi được trên mặt nước. Trong trường hợp nhà được lắp đặt trên sông thì không cần chân vịt chỉ cần các thùng phuy làm phao. Trong mỗi ngôi nhà đều có hệ thống nước và điện. Khi nhà ở trên đất liền, không có lũ thì hệ thống điện nước sử dụng chung với hệ thống nước công cộng. Khi có lũ thì ngắt kết nối với đường ống dẫn nước. Lúc đó, trong nhà có một thùng chứa nước khoảng 500 lít. Điện cũng vậy, khi có lũ thì sử dụng điện ắc quy hoặc pin mặt trời. Còn bình thường thì sử dụng điện lưới quốc gia. Điểm mới nữa của ngôi nhà là có bồn chứa phân ủ khô để đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Được biết, Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ hỗ trợ khoảng 90 triệu đồng để các em xây dựng một căn nhà thực tế. Căn nhà thực tế này sẽ giúp Hiền, Vũ và Thi hoàn thiện thêm nữa đề tài của mình...
Bài, ảnh: Kim Anh
Một ngôi nhà hoàn hảo như vậy nhưng theo nhóm thiết kế công trình này, giá thành chỉ có 45 triệu đồng/16m2 (tương đương 1 mođun). Nhà càng to (từ 2 mođun trở lên) thì giá thành càng giảm.
 http://www.giaoduc.edu.vn/ngoi-nha-thong-minh-chong-lu-cua-9x.htm