Chế tạo máy đào khoai tây đa năng
Anh Pham Minh Thành (42 tuổi, ngụ Nguyễn Siêu, phường 7, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em nên từ nhỏ biết phụ giúp gia đình làm nông. Ngoài giờ đến lớp học chữ, anh Thành tranh thủ thời vào vườn trồng rau, củ... cùng bố mẹ, thế nhưng đến năm lớp 8, anh phải nghỉ học do điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
Anh Phạm Minh Thành đứng kế máy đào khoai tây đa năng tự tay anh sáng chế
Được chứng kiến cảnh gia đình và hàng trăm hộ nông dân trồng khoai tây nơi đây cứ vào vụ thu hoạch là vô cùng cực khổ, phải đào khoai tây thủ công nên tốn rất nhiều thời gian, còn thuê lao động thì phải trả công cao..., từ đó anh Thành tự nhủ bản thân phải chế tạo ra một công cụ đào khoai tây để tiết kiệm thời gian, nâng năng suất lao động lên gấp hàng chục lần với phương thức thủ công, mang lợi nhuận cho gia đình và bà con đỡ vất vả.
Để làm được điều đó, anh Thành quyết tâm vừa đi làm vừa tranh thủ thời gian học nghề cơ khí. Năm 1994, anh Thành lập gia đình và bắt đầu bỏ dần nghề nông để tập trung làm nghề cơ khí. Đến năm 2008, trong một lần tình cờ xem trên ti vi, chương trình nông nghiệp ở nước ngoài có cảnh nông dân nước ngoài thu hoạch khoai tây, khoai lang... bằng máy đào giúp tiết kiệm thời gian, nâng năng suất lao động lên gấp nhiều lần so với phương thức thủ công, mang lại lợi nhuận cao, anh Thành sinh ra ý tưởng và bắt tay vào việc chế một máy đào các loại củ.
Anh Thành bắt đầu tìm mua các phụ kiện như sắt, bạc đạn, lưỡi cày, băng chuyền… về cắt, gò, hàn để chế tạo máy đào khoai tây. Sẵn có hiểu biết về nghề cơ khí, anh Thành nhanh chống chế tạo thành công chiếc máy đào khoai tây đầu tiên chỉ sau 1 tháng mà không thăm khảo hay lấy máy đào sẵn có để nâng cấp.
Anh Phạm Minh Thành bên nguyên liệu đơn giản, dễ tìm như sắt, lưỡi cày, nhíp cũ xe ô tô, băng chuyền, bạc đạn... để chế tạo máy
“Sau khi chế tạo máy thành công, sẵn có vườn khoai tây đang thu hoạch ngoài vườn, tôi cho máy chạy thử nghiệm. Mới đầu giàn máy vận hành tương đối tốt, tuy nhiên từng bộ phận gắn kết với nhau chuyển động chưa nhịp nhàng lắm, máy thường xuyên bị hư hỏng. Khi cho máy đào khoai tây thì củ khoai bị máy cắt đứt nhiều đoạn, để xót củ rất nhiều, máy còn nhiều điểm cần khác phục”- Anh Thành cho biết.
Sớm nhận thấy những thiếu sót của máy đào khoai tây đầu tiên, anh Thành tiếp tục nghiên cứu bổ sung, khắc phục những điểm cần hoàn chỉnh. Sau thời gian 2 đến 3 tháng, anh chỉnh sửa và bổ sung để hoàn chỉnh máy lần 2 và lần 3. Lần này anh cho máy vận hành thì máy đào khoai tây hoàn thiện hoàn toàn khi đào khoai tây thì củ khoai không bị máy cắt đứt nhiều đoạn hay để xót bất kỳ củ nào. Máy đào khoai tây của anh có trọng lượng khoảng 200kg. Sau khi chế tạo thành công, anh Thành bắt đầu đưa máy ra thị trường.
Bán hơn 200 máy cho các thị trường trong và ngoài tỉnh
Tin lành đồn xa, nhiều bà con ở TP.Đà Lạt và các huyện trong tỉnh Lâm Đồng tìm đến xem thực tế và thấy rất hiệu quả, mang nhiều tiện ích nên đặt hàng. Tại đây, nhiều người đặt mua máy đào khoai tây với số lượng lớn. Tính từ thời điểm hoàn thiện máy đến nay, với giá bán từ 19 - 24 triệu đồng, anh Thành bán được 200 máy cho các hộ nông dân tại TP. Đà Lạt và các huyện trong tỉnh Lâm Đồng, ngoài ra anh còn xuất bán cho thị trường Hà Nội.
Một số hình ảnh dàn máy đào khoai tây của anh Thành sáng chế đang hoạt động đào khoai tây
Nông dân Lê Kim Bình (ngụ 25B, Xô Viết Nghệ Tỉnh, P.7, TP.Đà Lạt), là một trong những người đầu tiên mua và sử dụng máy đào khoai tây của anh Thành nhận xét: “Tôi thấy máy đào khoai tây của anh Thành rất hiệu quả, mang nhiều tiện ích nên tôi quyết định mua một chiếc về dùng. Từ khi mua về đến nay máy chưa hư hại bộ phận quan trọng”.
Cũng theo anh Bình, ngày trước, cứ vào mua thu hoạch khoai tây, gia đình anh lại thuê gần 70 nhân công để thu hoạch 1ha khoai tây mới xong và tốt rất nhiều thời gian. Nhưng khi có máy đào, gia đình anh chỉ đào trong 1 ngày/ha. Máy đào khoai tây giúp bà con tiết kiệm thời gian, công sức và nâng năng suất lao động lên gấp hàng chục lần với phương thức thủ công, mang lợi nhuận cao.
Cùng quan điểm với anh Bình, nhiều hộ nông dân sử dụng máy đào khoai tây của anh Thành cũng đánh gia cao về giá trị của máy mang lại. Chất lượng máy đào rất tốt, máy móc hoạt động ầm ầm nhưng củ khoai được đào lên không bị cắt xén, trầy xước và được đào sạch sẽ, không bỏ sót củ nào. Ngoài ra máy có thể hoạt động trên mọi địa hình, kể cả đồi núi, đất đá nhờ được thiết kế có thể nghiêng hoặc nâng lên, hạ xuống để điều chỉnh lưỡi cày cho phù hợp...
Củ khoai được đào lên không bị cắt xén, trầy xước và được đào sạch sẽ không bỏ sót củ nào
Tháng 10-2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận bảo hộ độc quyền với nhãn hiệu “Minh Thành Tài” cho Giàn máy nông nghiệp của anh Phạm Minh Thành.
Anh Thành cho biết: “Máy đào mà tôi chế tạo sử dụng những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm như sắt, lưỡi cày, nhíp cũ xe ô tô, băng chuyền, bạc đạn… Chiếc máy có chiều rộng máy chỉ chừng 1 m, bằng với chiều rộng của luống khoai tây và nặng khoảng 200 kg nhưng máy hoạt động vô cùng hiệu quả trên mọi địa hình. Ngoài việc đào khoai tây, máy có thể đào được củ khoai lang, đào gốc sú, ... và máy còn san ủi đất, đá vườn giúp nông dân dọn sạch vườn trên mọi địa hình, kể cả đồi núi, đất đá”.
Hiện nay, mặc dù máy đào khoai tây đa năng hoàn thiện và được thị trường chấp nhận nhưng do số lượng tiêu thụ máy ngày càng nhiều. Thế nhưng anh Thành tiếp tục nghiên cứu cải tiến theo hướng gọn nhẹ hơn về trọng lượng, qua đó giảm bớt nguyên liệu, vật tư chế tạo để hạ giá thành sản phẩm.
Đối với người nông dân sáng chế máy như anh, đảm bảo và nâng chất lượng hoạt động của giàn máy cũng như tạo uy tín lâu dài là điều cần đảm bảo đầu tiên.