Thứ Tư, 3 tháng 4, 2024

HỌC SINH LỚP 11 VÀ CÂU CHUYỆN VỀ ĐÔI GĂNG TAY THẦN KỲ TỰ ĐỘNG CHUYỂN NGỮ GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHUYẾT TẬT

 


“Tùng tùng tùng", mỗi khi tiếng trống tan trường vang lên, Trần Ngọc Long, học sinh lớp 11, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) lại vội vã khoác lên chiếc balo và đi đến một căn phòng. Bởi bên trong căn phòng đó có chứa một thiết bị đặc biệt, nó là ước mơ, là những ấp ủ từ lâu của cậu học trò nhỏ - đôi găng tay tự động chuyển ngôn ngữ ký hiệu thành văn bản.

Mặc dù, còn chưa học hết cấp 3, thế nhưng Long lại quyết tâm chế tạo ra đôi găng tay “thần kỳ” là bởi, em có rất nhiều người bạn là trẻ câm, điếc. Hiểu được những khó khăn khi không thể giao tiếp, học tập và tiếp thu tri thức như những người bình thường, từ đó Trần Ngọc Long dưới sự hỗ trợ của người thầy dạy tin học của mình đã chế tạo thành công đôi găng tay chuyển ngữ.
Thế nhưng, ban đầu để làm nên đôi găng tay ấy, bản thân Long gặp rất nhiều khó khăn. Xuất phát là học sinh chuyên Lý, Long không hề có một chút kiến thức nào về lập trình, chính vì vậy từ những lý thuyết cơ bản nhất tới khi tạo nên được 1 đôi găng tay hoàn chỉnh đều do em tự mày mò và học hỏi từ những người xung quanh.
Sản phẩm do Long chế tạo được trang bị những con chip cảm biến độ cong, cảm biến vòng quay hồi chuyển, cảm biến từ trường và cảm biến gia tốc. Sau đó, trí tuệ nhân tạo sẽ biến những dữ liệu này thành một câu thoại hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, cậu học trò không ngừng thu thập ngôn ngữ ký hiệu của Việt Nam để đưa vào nền tảng dữ liệu, huấn luyện AI để công nghệ này có thể xử lý câu thoại được chính xác tương thích với những thao tác tay từ người khiếm thính. Tranh thủ thời gian ngoài giờ lên lớp, thậm chí là thức đêm để nhập từng câu lệnh lập trình, điều mà cậu học trò nhỏ mong muốn nhất đó là có thể giúp cho những người không may có khiếm khuyết trên cơ thể có thể dễ dàng kết nối với thế giới xung quanh.
"Em nghĩ thành công phải có sự hi sinh, đánh đổi. Dù em không được học sinh giỏi trong học kỳ vừa qua, nhưng em vẫn cảm thấy rất tự hào và hy vọng một ngày nào đó sản phẩm của em sẽ giúp những người khiếm thính có thể giao tiếp dễ dàng. Từ đó họ có thể học tập, tiếp thu kiến thức đóng góp cho sự phát triển đất nước."
—-------
Nguồn: báo Dân trí