Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

Hai học sinh cấp 3 làm hệ thống đốt rác với thời gian “siêu nhanh”

Với thời gian nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm chỉ hơn... 1 tháng, hai học sinh nổi tiếng mê khoa học của trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM đã sáng chế ra một hệ thống đốt rác thân thiện với môi trường.


Thành quả đó là kết quả của một quá trình ấp ủ ý tưởng từ nhiều năm trước khi các em được xem ti vi, đọc báo và nhận thấy rằng môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm do rác thải của con người.
Từ những trăn trở với môi trường sống xung quanh, cộng với “máu” mê khoa học, Trần Thiên Phúc và Võ Tường Duy, học sinh lớp 11, trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã nghiên cứu thành công một hệ thống đốt rác rất hiệu quả và được đánh giá tốt tại Liên hoan sáng tạo trẻ TP.HCM 2015.
Theo Thiên Phúc, môi trường sống là một vấn đề được quan tâm hàng đầu trên thế giới. Việc được sống trong một môi trường trong sạch là điều mà mỗi con người luôn hướng đến. Nhưng hiện nay, rác là một tác nhân gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, mà trong đó rác sinh hoạt đang chiếm tỉ lệ rất cao. 

Kết quả hình ảnh cho Hai học sinh cấp 3 làm hệ thống đốt rác với thời gian “siêu nhanh”

Trưởng nhóm nghiên cứu Trần Thiên Phúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.


Tuy nhiên, việc xử lí rác tốn rất nhiều công đoạn, nhiên liệu và sức lao động. Vậy giải pháp là làm sao để tận dụng được lượng nhiên liệu ít nhất nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao trong quá trình đốt cháy cũng như hạn chế được tối đa lượng bụi lan toả ra môi trường. Đồng thời, sử dụng công nghệ nào để người lao động không trực tiếp tiếp xúc với rác ở công đoạn cho chất thải vào lò là những vấn đề được Phúc và Duy giải quyết trong công trình này.
Việc xử lí chúng sao cho hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến bầu không khí, để mọi người được sống trong một môi trường trong sạch là một đề tài rất đáng quan tâm. Vì thế, chúng em chọn đề tài này để chế tạo nên một mô hình đốt rác sinh hoạt”- Thiên Phúc nói.
Mô hình đốt rác này có ưu điểm là sử dụng băng chuyền để hạn chế thấp nhất sức lao động của người làm việc ở khâu đưa rác vào lò đốt, đồng thời hạn chế sự ảnh hưởng của rác đến sức khoẻ. Việc sử dụng nhiên liệu để tạo ra sự cháy chỉ diễn ra ở công đoạn đầu của quá trình đốt. Dùng sức nước để giữ lại cacbon có trong lượng khói thoát ra để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình làm việc của mô hình.
Phúc tâm sự: “Sở dĩ chúng em xây dựng mô hình này với thời gian nhanh như vậy là do đã có ý tưởng từ rất sớm, nhưng thời gian đó em rất bận cho kỳ thi cuối cấp nên phải tạm gác lại việc thực hiện ý tưởng một thời gian. Trong quá trình lên kế hoạch thực hiến sản phẩm, em máy mắn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm rất lớn từ thầy cô, bạn bè. Đó là động lực để em hoàn thiện sản phẩm nhanh mà vẫn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật”.


Kết quả hình ảnh cho Hai học sinh cấp 3 làm hệ thống đốt rác với thời gian “siêu nhanh”

Hệ thống đốt rác thân thiện môi trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Băng chuyền được làm từ cao su chống cháy, có kích thước là 100mm x 400mm. Động cơ điện sẽ vận hành băng chuyền cho rác có độ ẩm thấp lên băng chuyền đưa vào buồng đốt. Tại buồng đốt sẽ sử dụng đèn khò để mồi lửa trong buồng. Hệ thống trục quay đảo đều để tạo môi trường giàu khí oxi giúp duy trì sự cháy. Khi buồng đốt đã đạt đến nhiệt độ thích hợp để đốt rác ẩm (từ 400 độ C trở lên), bắt đầu cho rác sinh hoạt lên băng chuyền để xử lí. Lúc này, quạt hút sẽ hút khói từ buồng sang bể lọc khói.
Ngoài ra hệ thống cũng sử dụng máy bơm để bơm nước đối lưu từ bể chứa vào bể lọc dưới áp lực cao nhằm giữ lại cacbon trong nước. Kết thúc quá trình, việc dọn dẹp tro trong ngăn chứa sẽ được làm thủ công.
Nhóm cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục cải tiến để tạo ra một máy hoàn chỉnh với kích thước lớn hơn, sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay cho năng lượng điện.
Chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu để thiết kế một thiết bị tự hút tro trong quá trình đốt giúp thời gian xử lý rác sẽ tiến hành được nhanh hơn”- Võ Tường Duy cho biết.
Hà Thế An

http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/hai-hoc-sinh-cap-3-lam-he-thong-dot-rac-voi-thoi-gian-sieu-nhanh-c7a389220.html