Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

Học sinh miền núi ở Huế chế tạo thành công máy bay thăm dò đám cháy


Thấy địa phương nơi mình sinh sống thường xuyên xảy ra các vụ cháy rừng nên một học sinh lớp 9 ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đã nghiên cứu và chế tạo ra máy bay thăm dò đám cháy.
Nhân vật mà chúng tôi đang đề cập đến là em Lê Quý Đức (học sinh lớp 9 trường THCS thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Mới đây với mô hình máy bay thăm dò đám cháy, Đức đã đoạt giải nhất trong cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng huyện Nam Đông". Hiện tại, sản phẩm được mang đi dự cuộc thi "Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2017".
Đức cho biết bắt đầu bắt tay vào việc chế tạo máy bay thăm dò đám cháy từ tháng 3/2016. Bằng sự giúp đỡ của thầy và bố, hơn một tháng sau, mô hình máy bay thăm dò đám cháy của Đức đã hoàn thành và thử nghiệm thành công ở nhiều địa điểm có không gian rộng.
Đức bên mô hình máy bay thăm dò đám cháy. (Ảnh: Tuấn Hiệp)
Để mô hình máy bay có thể hoạt động đúng với chức năng, Đức đã gắn thêm lên một chiếc camera được lấy từ flycam mà em xin được. Phần cánh quạt, thân máy bay làm bằng xốp nhẹ ốp đề can tạo khí động học giúp máy bay lướt nhanh hơn.
Theo Đức, chiếc máy bay thăm dò đám cháy của em hoạt động theo nguyên lý phản lực, động cơ đẩy gió ra sau và máy bay đi tới.
Chàng trai này cho biết khi muốn máy bay đi lên và xuống thì điều khiển cánh đuôi. Tất cả được điều khiển bằng 3 kênh từ bộ điều khiển từ xa. Camera sẽ quay và truyền tín hiệu về điện thoại hoặc máy tính để quan sát.
Mô hình máy bay của Đức được gắn thêm một camera lấy từ thiết bị Flycam để có thể thực hiện chức năng thăm dò đám cháy. (Ảnh: Tuấn Hiệp)
“Yếu tố mới của đề tài đó là máy bay có thể hoạt động trong bán kính 500 mét, có thể quan sát mặt đất bằng camera gắn trên máy bay thông qua điện thoại bằng sóng wifi do camera phát về. Độ cao của máy bay cho phép quan sát rõ đám cháy hoặc vật thể từ trên cao, tốc độ máy bay có thể chậm khoảng 30km/h để camera kịp quan sát”, Đức nói.
Khó khăn mà em gặp phải trong quá trình thực hiện là việc cắt hình dáng của máy bay hay bị lỗi, vi mạch hơi khó và việc điều khiển máy bay còn trục trặc. Tuy nhiên điều này đã được khắc phục và đến nay, máy bay của Đức đã được điều khiển thuần thục.
Được biết, bố của Đức cũng là một người có niềm đam mê với máy bay mô hình. Tuy nhiên, máy bay của bố Đức thường được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài về hoặc do các công ty chuyên nghiệp mô hình thiết kế nên có giá rất cao.
Từ đó, Đức đã nảy ra ý tưởng sẽ sáng chế một chiếc máy bay từ các vật liệu rẻ tiền để giảm giá thành nhưng vẫn đảm bảo các chức năng như những chiếc máy bay nhập ngoại.
Bộ điều khiển mô hình máy bay thăm dò đám cháy. (Ảnh: Tuấn Hiệp)
Những thiết bị ở máy bay của Đức sáng tạo đều là tự chế, kiếm nhặt từ phế liệu và xin lại từ các thiết bị hư hỏng khác nên có giá thành chỉ khoảng 350.000 đồng.
Đức cho biết, trong tương lai, nếu được đầu tư mạnh về tài chính, em sẽ lắp ráp động cơ mạnh hơn, thân máy bay thay thế từ xốp đề can sang vật liệu khác như gốm thạch cao (loại thường được dùng làm la-phông trần nhà), gắn thêm camera có độ nét cao, tốc độ ghi hình nhanh, kết hợp với bộ điều khiển sử dụng GPS để tăng bán kính hoạt động.
Khi đó, thiết bị của Đức có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như tìm kiếm cứu nạn, quan sát phòng chống cháy rừng, do thám, trinh sát các mục tiêu trong quân sự.
Ông Trần Đăng Khương - Giáo viên hướng dẫn chia sẻ Đức là một học sinh thích sáng tạo và học hỏi không ngừng. Để cho ra đời mô hình máy bay thăm dò đám cháy, Đức đã nhiều lần thất bại. Tuy nhiên, bằng óc đam mê sáng tạo cuối cùng Đức đã thành công.
Máy bay của Đức có thể đo được phạm vi đám cháy, camera xoay và bay thẳng đứng. Sản phẩm có khả năng ứng dụng cao, nếu được đầu tư thì có khả năng được áp dụng rộng rãi.
SƯU TẦM TỪ https://baomoi.com/hoc-sinh-mien-nui-o-hue-che-tao-thanh-cong-may-bay-tham-do-dam-chay/c/22177760.epi